Trong thời điểm tất bật của Quý 4, tôi vẫn đi tìm cho mình một chút thời gian thư giãn bằng một bộ phim Việt Nam, đó là “Tro Tàn Rực Rỡ”. Lâu rồi Việt Nam mới có một phim chất lượng như vậy. Đặc biệt là khi tôi là một người con Miền Tây.
Cơ duyên để biết và chọn xem phim này là sau khi coi phim Hạnh Phúc Máu thì tôi thấy poster phim này khá đẹp và cái tựa cũng rất thu hút nhưng do mới coi phim Việt Nam không để lại ấn tượng gì nên tôi cũng có ấn tượng xấu với phim Việt Nam.
Tối hôm sau lên coi trailer và google sơ thì tôi mới biết phim đoạt rất nhiều giải thưởng uy tín ở LHP Tokyo và Pháp. Nhờ nhiều năm xem phim nên tôi biết phim nào đoạt giải thưởng ở các LHP lớn thì nó sẽ có cái gì đó hay, điển hình cả phim tài liệu về gánh lôtô của chị Phụng, Mùa Len Trâu, Mắt Biếc. Khá thú vị nên quyết định hôm sau sẽ đi xem vì phim cũng mới ra mắt.
Phim rất hay, rất nhiều điểm để khen và phân tích cụ thể nên bài này sẽ rất dài, mình sẽ spoil cả nội dung để đảm bảo nói được cái hay của phim này một cách trọn vẹn. Các bạn nên coi phim này rồi hãy đọc review sẽ phù hợp hơn.
Mục lục
Xây dựng bối cảnh miền Tây hoàn hảo
Đầu tiên, là một người con miền Tây (> 30 năm sống ở đó). Tôi đã đi gần như mọi tỉnh ở Đồng Bằng Sông Cửu Long trừ Cà Mau và Đồng Tháp và đã từng coi Cánh Đồng Bất Tận, một tác phẩm khác về miền Tây của Nguyễn Ngọc Tư. Tôi rất thiện cảm với những bộ phim về miền sông nước nhưng cũng khắt khe nếu như đạo diễn không thể hiện được đúng Miền Tây. Nhưng quả thật Tro Tàn Rực Rỡ (TTRR) đã đầu tư bối cảnh miền Tây vô cùng hoàn hảo. Là người đã trải qua 90% cảnh phim ở ngoài đời, tôi cam đoan đây chính là miền Tây của mình, không một chút giả trân. Đạo diễn và chế tác chắc hẳn là người Miền Tây hoặc nghiên cứu rất cẩn thận. Nghe đâu phim mất 7 năm để hoàn thiện nên bạn sẽ hiểu sự đầu tư của phim.
Từ những bờ sông, cảnh ghe đò, bụi lùm, tiếng lá cháy, tiếng tắc kè kêu. Đến cả những con đường làng, đầy sình đất và những ngôi nhà sàn, với cái võng mắc ngoài hành lang,… Cảnh ghe máy rước dâu, lũ trẻ nhảy cầu tắm sông ngày nắng, Nhàn ngồi rửa chén ở bờ sông với cái lu, hay kho cá trên cái bếp xưa. Nói chung quá tuyệt vời, nếu bạn người miền ngoài thì phim này sẽ làm bạn muốn về miền Tây chơi cho biết. Còn những ai là người con xa quê như mình thì sẽ làm sống lại những quá khứ của bạn.
Trong phim có 3 yếu tố trung tâm mà bạn sẽ gặp nhiều nhất một là sông, hai là nhà và ba là lửa cháy. Theo đạo diễn Bùi Thạc Chuyên là có ẩn chứa hàm ý, nhà là chính bản thân, sông là nỗi lòng và lửa chính là sự đau khổ. Không cảnh quay nào mà bạn không thấy một trong 3 thứ này xuyên suốt phim và đôi khi cả 3 cùng dung hòa lại để nói lên sự bi kịch của phim mà lại vô cùng Miền Tây.
Âm nhạc của phim rất tốt, đôi khi một tiếng đàn khảy nhẹ cũng nói lên được tình tiết phim, còn âm thanh thì những tiếng kêu vọng xa lại chính là những chuyển biến lớn chứ hoàn toàn không vô nghĩa. Hãy lắng nghe kỹ nhé!
Chất lượng diễn viên không đồng đều
Mình biết Phương Anh Đào khá lâu rồi, từ thời còn đóng Video Ngốc của Hương Tràm và sau này là rất nhiều bộ phim điện ảnh khác. Là một cô gái gốc Cà Mau, cũng là nơi diễn ra bối cảnh phim và sự đầu tư về diễn xuất, không ngoa khi nói Đào là điểm nhấn của bộ phim này. Những cái nhìn, cái khóc của Đào đã lột tả được đủ thấu tình cảnh, nỗi niềm và truyền tải được cảm xúc của phim. Đặc biệt giọng của Đào là miền Tây nên bạn sẽ thấy đài từ rất tự nhiên. Cái níu vai khóc ở lò than của Đào với Tam là một kỹ năng diễn xuất điêu luyện, rất khó để không nói lời nào mà có thể khóc một cách trách móc như vậy.
Tuy nhiên, vấn đề của phim đó là Bảo Ngọc Doling. Ngoại hình rất xuất sắc nhưng nếu ai sống ở miền Tây sẽ biết ít có cô gái có khuôn mặt thanh tú và trắng trẻo như vậy. Hầu hết con gái miền Tây sẽ có một chút quê mùa hoặc khắc khổ. Dù phim đã cho Ngọc ăn mặc miền Tây và Ngọc rất cố gắng diễn nhưng tôi có thể cảm nhận casting Ngọc là chưa phù hợp.
Thứ hai, khi coi nhân vật Hậu của Ngọc dù chưa biết Ngọc là gốc ở đâu nhưng đài từ và giọng nói làm tôi mất hứng khi xem phim. Tôi đã mong chờ một Ninh Dương Lan Ngọc ở Cánh Đồng Bất Tận với một giọng miền tây đầy cảm xúc thì đây lại là một giọng nói nghe sang như ở phương Tây, còn lời thoại không biết do chuyển thể còn yếu mà vừa khó nghe, khó hiểu vừa thấy không đúng với người miền Tây chút nào.
Diễn xuất của Ngọc đã cứu lại 2 nhược điểm lớn trên mặc dù nhiều phân đoạn tôi thấy nó thiếu sự lột tả cảm xúc chân thật của nhân vật Hậu, cứ như Bảo Ngọc chưa hoàn toàn nhập tâm vào nhân vật. Không rõ ý đồ của đạo diễn hay do em diễn chưa đạt.
Về nhân vật người chồng Ngô Quang Tuấn, anh là một diễn viên lâu năm nên tôi đoán đây là ý đồ của đạo diễn hoặc kịch bản nhưng sự biến chuyển từ một người bình thường sang tâm thần của anh còn rất yếu. Bạn sẽ không thấy nhân vật này đau khổ hay thể hiện đủ để bị rối loạn cảm xúc và hành động. Còn nếu việc đốt nhà là sở thích từ nhỏ thì đạo diễn cần thêm vài tình tiết hoặc mô tả rõ cảnh anh đi đốt nhà cho tự nhiên hơn.
Vai Dương của Lê Công Hoàng rất tuyệt vời. Đây có thể là vai diễn thứ chính ít thoại nhất phim nhưng diễn xuất rất đạt, tôi là người đã trải qua cảm xúc đơn phương bị chối từ và nhìn người yêu đi theo chồng nên tôi hiểu được đây đích thực là một diễn xuất tốt. Cả phim khi coi nhân vật Dương bạn sẽ thấy không có gì nổi bật nhưng cũng khó chê được.
Nhân vật Loan tâm thần cũng là một bi kịch nhưng chỉ qua những lời thoại kể lại thì hoàn toàn không đủ lột tả được cái đau buồn hay cái hay của cuộc đời nhân vật này. Tôi nghĩ nếu không kể về nhân vật này cũng không ảnh hưởng gì đến phim mà có thể tận dụng thời gian đưa thêm nhiều tình tiết hay hơn cho tuyến 4 nhân vật kia. Có thể đạo diễn muốn tôn trọng nguyên tác và cũng thích câu chuyện của nhân vật Loan nên muốn truyền tải cho khán giả mặc dù theo tôi là nó khá vô vị.
Nội dung xuất sắc và tấn bi kịch của phụ nữ miền Tây (Lưu ý phần này sẽ spoil 99% nội dung phim)
Tựa phim TTRR đã làm cho tôi rất tò mò và khi thấy nhà cháy trong trailer tôi vẫn chưa hiểu rõ lắm. Sau khi coi hết phim tôi mới hiểu rõ ý đồ của đạo diễn và tựa phim. Phim là một chuỗi bi kịch của 4 nhân vật, Hậu yêu người không yêu mình, Dương luôn yêu Nhàn, và Nhàn lại yêu Tam nhưng Tam lại bị tâm thần do nhiều biến cố trong cuộc đời.
Nếu bạn mới xem phim này có thể sẽ cho là những chuyện này là phi lý nhưng không, bi kịch của miền Tây là sự thiếu giáo dục ở những vùng miệt vườn. Thiếu kiến thức nên nhận thức sai lệch và các bi kịch như trong phim là có. Nếu bạn google sẽ thấy chuyện thích đốt nhà của Tam là có.
Còn Hậu thích nhìn nhà Nhàn cháy là minh chứng của sự hận thù tình yêu Dương mang lại cho Hậu. Phim sử dụng rất nhiều biện pháp ẩn dụ, hoán dụ, tu từ để nói lên nỗi lòng của từng nhân vật và những nỗi đau họ đang chịu. Tựa phim TTRR theo tôi là với những bi kịch của phim không sớm thì muộn nó cũng sẽ bùng cháy lên rồi để trở thành một đống tro tàn. Còn từ rực rỡ có thể để giúp tựa phim hay hơn hoặc hàm ý là kết thúc nỗi đau của tất cả nhân vật chính là cái rực rỡ.
Những điều thú vị bạn cần biết để thấy cái hay của phim
Dương chưa bao giờ muốn nói chuyện với Hậu, cả phim ai tinh ý sẽ thấy Hậu nói với Dương rất nhiều nhưng Dương chưa bao giờ đáp lại, dù chỉ một lời. Và khi Dương cất lời với Hậu cũng là lúc Hậu không thể đáp lại một lời nào và đó cũng là cái kết của mối tình một chiều này. Bạn sẽ thấy đây như là hai đường thẳng song song chưa bao giờ giao nhau dù chỉ một lần trong phim này. Nó đã sai từ khi bắt đầu.
Dương thực sự hiểu Hậu nghĩ gì, do hoàn cảnh miền Tây hay do mình là đàn ông nên anh phải chịu trách nhiệm với những gì mình làm và cũng là một cách để trốn tránh sự chối từ của Nhàn. Nên những lời thoại cuối nó chua xót nhưng thấu đến tâm can của Hậu “Lần này lửa có mùi gì?”. Nếu những lần trước Hậu kể cho Dương nghe về những lần lửa cháy có mùi củi mục, mùi lá dừa cháy, bọ chết,… thì đốm lửa cuối cùng của Nhàn và Tam thì kết thúc luôn sự hận thù của Hậu và với Dương thì người mình thầm yêu cũng không còn và lúc này anh mới muốn trách Hậu, tiếc là một người đàn ông thì không thể làm gì khác. Anh đã chọn ra đi.
Về Nhàn và Tam, một mối tình tưởng như hoàn hảo khi đến với nhau bằng tình yêu. Chỉ vì một sai lầm của Nhàn mà Tam trở nên tâm thần còn Nhàn thì luôn nghĩ đó là lỗi của mình và cứ muốn ở cạnh Tam, dần dần biến chất mình giống như Tam. Thích nhìn thấy anh hạnh phúc khi đốt nhà và coi đó là một niềm vui duy nhất trong cuộc đời mình.
Nhàn ngăn Tam đốt nhà thì lại thấy việc đó có thể làm anh xa mình mãi mãi và sự đau đớn bị đè nén đến tột cùng đó nên Nhàn quyết định kết thúc nó. Các phân cảnh không cần nói của Đào nhưng bằng diễn xuât người ta cũng hiểu tâm ý của Nhàn trong phim. Còn gì đau đớn khi mình tin rằng do mình mà người đầu ấp tay gối của mình bị tâm thần.
Cuối cùng là Hậu và Nhàn, cả hai nhân vật từ đầu phim đã thể hiện một cuộc đua tranh mà Nhàn là người dẫn trước. Hậu bị làm cái bóng của Nhàn và cả đời không có tình yêu mà cứ phải chạy theo tình mà mãi không có được trái tim Dương. Còn Nhàn hiểu điều đó và cũng rất giữ ý với Hậu, cứ ngỡ Nhàn là người có tất cả nhưng không. Mất con, chồng tâm thần, làng xóm ruồng bỏ, khánh kiệt thậm chí phải đi nhờ vả Hậu cũng thể hiện hai nhân vật này đã đổi vị trí trong cuộc đua hạnh phúc. Có thể Hậu không có tình yêu nhưng Nhàn đã mất nhiều hơn là tình yêu.
Hậu là một nhân vật có nội tâm phức tạp. Vừa muốn có tình yêu của Dương, vừa cũng muốn giúp Nhàn khi tội nghiệp cho hoàn cảnh của cô nhưng cũng vừa muốn nhân cơ hội để hả dạ và cho Dương thấy giờ người anh yêu đang khổ đến như thế nào.
Đám cháy cuối cùng thực sự là Rực Rỡ vì nó đã kết thúc tất cả. Một cái kết không có hậu nhưng thực sự là ta có thể đoán được sớm muộn. Phim hay và nhiều cảm xúc buồn, mang đến một hình ảnh miền Tây rất khác nhưng cũng nói lên những vấn nạn trong xã hội, nhận thức và lối sống của người Miền Tây ngày xưa hay thậm chí ngày nay đã đem đến nhiều tấn bi kịch. Người phụ nữ miền Tây phải chịu đựng rất nhiều vì những đức tính tốt của mình! Hy vọng qua bộ phim này bạn sẽ về miền Tây đặc biệt là quê hương Cần Thơ của mình chơi để hiểu thêm về miền sông nước! Đừng ngại inbox mình để được tư vấn nhé!
Để lại bình luận