Mình kiếm sống bằng Upwork đã 8 năm rồi, ngoài những chuyện cơ bản ai cũng biết thì mình cũng có biết thêm một số điều rất thú vị muốn chia sẻ cùng các bạn. Hy vọng các bạn chưa biết mấy cái này.
Upwork ra đời để chống độc quyền trong thị trường Freelancer
Như các bạn đã biết Upwork là sự sát nhập của oDesk và Elance vào năm 2015, hai nền tảng môi giới công việc Freelancer lớn nhất nhì thế giới với tổng cộng 2 triệu khách hàng và 8 triệu freelancer trên toàn thế giới. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, mình cũng là người dùng 4 năm của cả 2 nền tảng, rõ ràng không có một sự bất ổn nào khi cả hai nền tảng đều mạnh và không cần thiết phải nhập lại giống như Coca Cola và Pepsi vậy. Việc tự dưng sát nhập là có vấn đề.
Mình có nghiên cứu và sự sát nhập đó là do Freelancer.com đang bành trướng và họ sẽ dùng tiền mua hết tất cả nền tảng khác. Và họ cũng dự tính mua cả oDesk, nếu như chuyện đó xảy ra bạn có thể hiểu giống như việc cả thế giới dùng điện thoại iPhone vậy, Apple lúc đó hét giá bao nhiêu cũng được. Độc quyền trong kinh doanh sẽ mang lại nhiều hệ lụy lớn. Nhưng xét về tiềm lực thì cả oDesk và Elance đều thua đối thủ Freelancer.com. Vì thế oDesk đã quyết định nhập lại với Elance để trở thành đối trọng của Freelancer.com và họ đã đúng.
Hiện nay, thế giới chỉ còn đúng Freelancer.com và Upwork, hai nền tảng môi giới việc làm trực tuyến tốt nhất và có niêm yết trên sàn chứng khoán. Upwork hiện đã nhỉnh hơn Freelancer.com về rất nhiều mặt.
Upwork có dịch vụ riêng cho các khách hàng lớn
Nếu là khách hàng đăng việc, bạn sẽ biết Upwork có các gói dành cho các công ty, khách hàng muốn tìm kiếm một đội ngũ freelancer để phát triển lâu dài với nguồn nhân lực của Upwork.
Để phục vụ tốt nhất cho các khách hàng, Upwork có lập ra một đội ngũ chuyên phục vụ tìm freelancer cho các công ty hàng đầu (top 500). Đội ngũ này sẽ tuyển dụng riêng và sử dụng hệ thống quản lý công việc trên Upwork nhưng có mức chiết khấu % thanh toán chỉ có 8,75% thôi. Bình thường là 20%, 10%, 5%.
Tại sao Upwork lại làm như vậy, vì một số thương hiệu lớn giúp ích rất nhiều cho Upwork và họ có các hợp đồng hàng triệu đô cần rất nhiều freelancer làm việc lâu dài. Upwork có thể chi một phần số tiền đó và giúp tìm các Freelancer phù hợp cho các công ty đó. Và việc tìm kiếm khá đơn giản vì Upwork đã có sẵn database của hàng triệu Freelancer rồi.
Mình hiện tại đang làm cho một trong những việc làm như vậy với Upwork. Có dịp mình sẽ bật mí về loại hình công việc này. Nếu bạn là một Freelancer mới thì có lẽ bạn chưa được gặp gỡ đội ngũ này đâu.
Upwork là một kỳ lân
So với 8 năm trước, oDesk hay Elance rất dễ dùng, tiện lợi và không có gì ràng buộc. Nhưng kể từ khi sát nhập và có nhiều nhà đầu tư cùng các công ty tư vấn chiến lược cùng CEO mới. Upwork giờ đã trở thành thương hiệu môi giới việc làm trực tuyến hàng đầu thế giới. Upwork chỉ vừa mới IPO (niêm yết lên sàn chứng khoán) vào tháng 10 năm 2018 đã có giá trị lên đến 1,5 tỷ đô. Với các công ty có giá trị hơn 1 tỷ đô sẽ được gọi là kỳ lân. Điều mà rất ít công ty công nghệ ở Việt Nam đạt được.
Giờ đây với hàng chục triệu freelancer và khách hàng trên toàn thế giới, nhiều nhà đầu tư và niêm yết chứng khoán, Upwork đã trở thành một thương hiệu hay một công ty có tầm cỡ. Nói chính xác là một Unicorn. Vì thế Upwork ngày càng có thêm nhiều chính sách khó khăn gây khó dễ cho các freelancer mới tham gia vì đây không còn là chuyện đùa nữa mà là kiếm tiền thật sự và Upwork có nhiều cách để Freelancer phải làm thật sự, không làm gian dối được vì nếu không sẽ rất ảnh hưởng đến uy tín của Upwork.
Do đó bạn cần một sự đầu tư, nghiên cứu nghiêm túc để tài khoản của mình được duyệt, sau đó thì bạn phải chinh phục khách hàng chọn mình, và giữ họ lâu dài với mình. Upwork sẽ ngày càng phát triển và sự nghiệp của bạn cũng vậy.
Để lại bình luận