Mình là một freelancer và đã gắn bó với công việc này chắc khoảng hơn 5 năm, hiện có thể gọi là freelancer chuyên nghiệp vì mình sống được bằng nghề này và có thu nhập ổn định từ nó. Mình sẽ làm một series bài viết về nghề này để các bạn có một cái nhìn rõ ràng hơn về công việc khá hot này. Phần 1 sẽ tập trung nói về Freelancer là gì.
Freelancer là gì?
Freelancer trong tiếng Anh có nghĩa là chiến binh tự do, hay còn gọi là cộng tác viên bán thời gian. Không rõ từ đâu có định nghĩa này nhưng một trong những trang làm việc tự do lớn nhất thế giới có tên miền là http://freelancer.com.
Phong cách làm việc truyền thống mà ngày nay 90% con người đang làm là:
–
Sáng thức sớm, vệ sinh cá nhân, chuẩn bị đồng phục rồi ăn sáng rồi đến công ty. Làm đủ số tiếng thường là 8-10 tiếng rồi về. Nếu tăng ca thì phải ở lại.
– Giữ quan hệ tốt theo kiểu xã giao với đồng nghiệp và cơ quan
– Thỉnh thoảng phải hội họp, đi ăn tiệc
– Chịu sự quản lý của cấp trên
– Bị bó buộc bởi nhiều quy định của riêng phòng ban, công ty
Freelancer theo mình định nghĩa:
– Thu nhập ổn định, lâu dài và có thể thu nhập cao hơn đi làm bên ngoài
– Vẫn có một số sự ràng buộc nhất định khi làm việc nhưng không cần mặc đồng phục và đi làm ngày 8 tiếng
– Có thể làm theo kiểu dự án hoặc nhân viên của một công ty
Freelancer ra đời nhờ sự phát triển của công nghệ ngày nay, với một chiếc máy tính, gần như bạn có thể làm mọi việc, MỌI VIỆC tức là cả LÀM VIỆC. Và do nhiều công việc có tính chất đặc thù là làm việc độc lập nên làm việc tại nhà vẫn đáp ứng được yêu cầu của công việc.
Freelancer có thể làm việc trong và ngoài nước hoặc cả hai cùng lúc. Điều này giúp giảm chi phí nhân công của các nước giàu cho một số công việc. Ấn Độ là nước tập trung vào ngành CNTT và trở thành thị trường freelancer lớn mạnh nhất nhì thế giới với giá rất cạnh tranh. Mỹ thì có rất nhiều freelancer chuyên nghiệp theo kiểu thu nhập cao nhất vì họ có chuyên môn cao và thường nhận các dự án lớn. Việt Nam vài năm gần đây cũng phát triển freelancer nhưng thu nhập vẫn chưa cao và công việc còn tương đối bấp bênh do cạnh tranh từ nước ngoài. Ngoài ra một số công ty lớn cũng giành hết các dự án lớn nên các freelancer càng khó khăn (sẽ có bài nói rõ về vấn đề này hơn).
Các công việc mà freelancer có thể làm rất đa dạng, mình chỉ xin liệt kê một số tiêu biểu
+ Thiết kế đồ họa
+ Viết bài, viết báo, viết sách
+ Biên/phiên dịch
+ Marketing, SEO
+ Chăm sóc khách hàng
+ …
Ưu điểm của nghề freelancer:
– Làm việc tự do ai chẳng thích, thí dụ thức khuya coi đá banh, sáng ngủ muộn cũng được, nhưng trưa và chiều làm bù
–
Tập trung vào hiệu quả công việc, không bị mất thời gian vào những mối quan hệ lằng nhằng nơi công sở.
– Tích lũy được nhiều kỹ năng hơn, nhất là kỹ năng về vi tính, làm việc độc lập. Thành thạo các công cụ cá nhân như Microsoft Office, Google (Docs, Drive, Gmail), Dropbox, Github, Photoshop, Facebook,…
– Công việc đa dạng, làm việc bất cứ nơi đâu, mặc gì khi làm cũng được.

Nhược điểm:
– Nếu không biết cách quản lý thời gian và sức khỏe, bạn sẽ trở nên bị rối loạn thời gian và sức khỏe ngày càng kém như béo phì
–
Nếu là freelancer mới hoặc thiếu kỹ năng duy trì công việc có thể bị “no dồn đói góp”
– Không được các quyền lợi như khi đi làm công ty như nghỉ phép, vay tiền ngân hàng, bảo hiểm xã hội, du lịch cùng công ty,…
– Thiếu đi các mối quan hệ xã hội
– Công việc có thể không phát triển mà chỉ dừng ở một mức nào đó.
– …
Lịch trình một ngày làm việc của Freelancer bình thường là thế này:
Sáng ngủ đến khoảng 9-10h, thức dậy check mail sau đó đi ăn sáng rồi đi uống cafe đến khoảng 12h trưa, về nhà bắt đầu coi các công việc dang dở, sau đó bắt đầu làm đến khoảng 4-5 giờ chiều thì nghỉ ngơi đi ăn cơm chiều rồi đi chơi đến 8-9 tối. Sau đó về làm việc/học tập/viết blog/giải trí đến 1-2h sáng thì đi ngủ.
Lúc nào có việc phải làm thì thức sớm chút, rồi chiều ngủ bù. Thỉnh thoảng vẫn có thể xin nghỉ hoặc làm việc trễ. Mình làm cứng cho 1 cty và làm tự do cho 1 cty khác, thỉnh thoảng vẫn nhận dự án thêm để tăng thu nhập và làm vào buổi tối đến khuya.
Tạm hết phần I. Bài kế sẽ nói về làm thế nào mình bén duyên với nghề freelancer. Khá dài đấy.
Để lại bình luận