Hiện nay, lừa đảo trên mạng hay còn gọi là lừa đảo trực tuyến đang trở nên vô cùng phổ biến. Nếu trước đây lừa đảo chỉ là những cá thể thì giờ đã có những công ty chuyên tuyển dụng và đào tạo nhân viên vào làm lừa đảo, con người càng thông minh thì tội phạm càng tinh xảo. Hiện tại ngay cả ngành Freelancer cũng bị tội phạm mạng hoành hoành với đủ chiêu trò. Bài viết hôm nay mình sẽ hướng dẫn các bạn cách nhận biết, đề phòng lừa đảo trên Upwork – sàn làm việc trực tuyến lớn nhất thế giới.
Upwork lừa đảo – Có hay không?
Mình tham gia vào Freelancer hơn 10 năm trước và lúc đó cũng có nhiều trò lừa đảo trên mạng nhưng Upwork là tuyệt nhiên không có. Họa hoằn lắm chỉ có là quịt tiền công bằng cách không nạp tiền lên Escrow mà kêu bạn hoàn thành công việc trước rồi sau đó im luôn. Mình cũng từng bị như vậy 2 lần trong suốt sự nghiệp làm freelancer của mình, nói chung không đáng kể vì những việc mà gạt được thì chỉ có ít tiền, làm nhanh 1-2 ngày.
Nhưng nếu các bạn freelancer mới bắt đầu làm trên Upwork và có đọc trên các hội nhóm sẽ thấy việc lừa đảo diễn ra nhan nhản. Do tội phạm nắm bắt tâm lý mong muốn có việc làm mà đưa ra những job thù lao rất hời. Sau khi bạn apply thì sẽ tìm cách kêu bạn lên Telegram để nhận việc. Tiếp tục là những chiêu trò ứng tiền các thứ để bạn có thể nhận một số tiền cực lớn sau khi hoàn thành công việc. Thậm chí việc giao rất đàng hoàng khiến bạn tin đó là thật.
Như vậy lừa đảo trên Upwork là có thật và diễn ra hằng ngày, bạn nên cẩn thận đọc hết bài để nhận biết và phòng tránh nhé.
Cách nhận biết lừa đảo trên Upwork
Hồ sơ khách hàng
Mình phân ra ở đây 3 yếu tố quan trọng để bạn có thể đoán được lừa đảo dựa trên hồ sơ của khách hàng.
Quốc gia:
Nếu khách hàng đến từ các quốc gia có nền kinh tế không phát triển và đặc biệt là hồi giáo như Kenya, Bangladesh, India,… thì hãy cẩn thận. Tất nhiên mình không đánh đồng tất cả nhưng các quốc gia này có tỷ lệ lừa đảo cao hơn. Tuy nhiên một số tội phạm đã thông minh hơn nên có cách fake địa chỉ tận các nước uy tín như Anh, Mỹ, Châu Âu nên hãy xem tiếp số 2 nhé.
Xác thực thanh toán:
Upwork yêu cầu các khách hàng phải xác thực thanh toán, thường tội phạm có thể không xác thực thanh toán (đỡ mất công chuẩn bị thẻ tín dụng). Nếu khách hàng đàng hoàng thì họ sẽ xác thực thanh toán (Payment Method Not Verified).
Lịch sử giao việc (Quan trọng nhất):
Phía tội phạm có thể đầu tư để vượt qua hai mục trên nhưng ở bước 3 thì cực kỳ khó, nếu bạn chịu khó xem tới bước này thì có thể xác định 99% đây có phải là lừa đảo hay không. Một khách hàng chân chính sẽ có lịch sử giao việc khá tốt, gồm số tiền đã bỏ ra, đã giao bao nhiêu việc, có điểm đánh giá từ các Freelancer họ đã thuê. Những tên tội phạm không thể đầu tư nhiều như thế này vì nếu có tiền để giao việc (mất phí cho 10% cho Upwork) rồi sau đó đợi một thời gian cho hồ sơ uy tín rồi giao việc thì ít khi tội phạm làm được. Quy tắc của những kẻ lừa đảo là quy trình công nghiệp, làm càng nhanh càng tốt sau đó biến mất khi đã lừa được vài người trước khi bị tố cáo lừa đảo.
Nhớ xem qua cẩn thận JD và hồ sơ khách hàng trước khi appy nhé
Job tuyển dụng & Tin nhắn sau khi nhận việc
Bạn cần nhớ rằng, trên đời này chỉ có nước mưa và phân chim là trên trời rơi xuống. Tức là những công việc trên Upwork bạn phải hiểu tỷ lệ chọi thường là 10-20 hồ sơ cho một job có khi còn nhiều hơn nên nếu bạn không có một hồ sơ đẹp, không có giá tốt thì một công việc ngon rất khó vào tay bạn. Mình đã apply hàng nghìn job và trúng hàng trăm job trên Upwork trong nhiều năm qua. Kinh nghiệm của mình, khách hàng họ không quá vội vã khi giao việc cho bạn, nhất là khi họ phải lựa chọn giữa hàng chục hồ sơ freelancer. Chỉ có lừa đảo mới chọn bạn thôi.
Nên nếu khi bạn vừa apply mà chỉ vài mươi phút sau mà khách hàng đã nhắn giao việc cho bạn thì khả năng cao là lừa đảo. Kế tiếp, lừa đảo sẽ luôn muốn dẫn dụ bạn ra ngoài liên lạc như Telegram hoặc WhatsApp để không bị hệ thống của Upwork phát hiện là lừa đảo. 99% các vụ lừa đảo Upwork hiện nay diễn ra trên Telegram và WhatsApp. Từ khóa lừa đảo Telegram đang đứng top đầu tất cả vụ lừa đảo trên toàn thế giới. Ở Việt Nam thì có thể lừa đảo qua cả Facebook và Zalo nhưng những kẻ lừa đảo thường không biết dùng Zalo. Còn Telegram có cơ chế ẩn danh nên tội phạm hoạt động chủ yếu trên Telegram.
Mình sẽ có một bài viết nói về Telegram để các bạn biết về những lợi và hại của nền tảng nhắn tin này.
Những điều nên làm để tránh bị lừa đảo trên Upwork
Đọc đến đây chắc bạn đã nắm được cách lừa đảo Upwork hoạt động nhưng mình có thêm một số kinh nghiệm để bạn tránh dính vào các rắc rối như vậy
1. Tránh những công việc có thù lao quá lý tưởng mà hồ sơ khách hàng thì không có lịch sử giao việc để tránh mất thời gian và Connect quý báu.
2. Nếu đã apply và bị lừa đảo nhắn tin kêu ra Telegram hay WhatsApp bàn việc thì hãy hỏi là tại sao không liên hệ tại Upwork luôn => 99% lừa đảo sẽ block bạn ngay lập tức.
3. Bạn chịu đi tới cùng với lừa đảo ra tới Telegram hay WhatsApp để bàn việc thì chỉ cần nhớ, không có công việc nào mà bạn phải xuất tiền trước cả. Một nhà tuyển dụng chân chính sẽ luôn đảm bảo thanh toán cho bạn. Ví dụ họ có thể fund tiền vào Escrow trước để đảm bảo lòng tin rồi bạn mới xuất tiền. Những job như này cũng có nhé.
4. Tham khảo thêm bài viết này của Upwork nhé (Tiếng Anh).
Cuối cùng, mình mong tất cả các bạn Freelancer làm việc trực tuyến không bị lừa gạt và đừng bỏ nghề nhé.
Để lại bình luận